CẬP NHẬT 1 SỐ ĐIỂM MỚI TRONG NĐ 91/2019/NĐ-CP VỀ XỬ PHẠT VI PHẠT HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI

Đăng vào 31/12/2019 10:02

Ngày 05 tháng 01 năm 2020, Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chính thức có hiệu lực. Nghị định với những quy định mới được kỳ vọng là sẽ đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm, “mạnh tay” hơn trong vấn đề xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Một số điểm mới đáng chú ý trong Nghị định này như sau:

- Thứ nhất, hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở phạt tiền đến 01 tỷ đồng. Tại khoản 3, 4 Điều 9 Nghị định, chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở) tại khu vực nông thôn và đô thị mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì phạt tiền theo diện tích tự ý chuyển với mức phạt cao hơn; thể hiện sự quyết liệt và mạnh tay hơn của các cơ quan chức năng khi xử lý vấn đề này. Tại nông thôn, đối với cá nhân, khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở với diện tích dưới 100m2. Nếu tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở với tổng diện tích từ 3 ha trở lên thì có thể bị phạt tiền từ 120 đến 250 triệu đồng. Mức xử phạt đối với khu vực thành thị sẽ gấp đôi mức xử phạt áp dụng tại nông thôn. Và nếu là tổ chức vi phạm thì có thể bị phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng.

- Thứ hai, hành vi không sang tên sổ đỏ bị phạt tới 20 triệu đồng. Sang tên Sổ đỏ theo là cách thường gọi của người dân để chỉ thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất. Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đăng ký biến động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra biến động (thường sẽ là ngày hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho có hiệu lực). Theo khoản 2, 3 Điều 17 Nghị định, trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định bị phạt tiền như sau: Đối với khu vực nông thôn thì trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng. Tại khu vực đô thị mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định với khu vực nông thôn. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 20 triệu đồng).

- Thứ ba, so với các quy định trước đây, Nghị định 91/2019 lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về hành vi hủy hoại đất đai. Theo đó, hành vi hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Nội dung cụ thể về các hành vi được xác định là hủy hoại đất được quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định. Về hình thức và mức xử phạt đối với hành vi hủy hoại đất được quy định tại Điều 15 Nghị định, trường hợp cá nhân làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền 2-5 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 ha; Phạt tiền 510 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 - dưới 0.1 ha; Phạt tiền 10-30 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại 0,1- dưới 0,5 ha; Phạt tiền 30-60 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 - dưới 1 ha; Phạt tiền 60-150 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 1 ha trở lên. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đây là mức phạt cho cá nhân có hành vi hủy hoại đất, nếu tổ chức vi phạm cùng hành vi này sẽ bị xử phạt với mức phạt nhân đôi. Mặc khác, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành thì bị thu hồi đất.

-  Thứ tư, bổ sung thêm một số hành vi vi phạm hành chính của người sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất nhằm khắc phục tình trạng tồn tại các hành vi vi phạm nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật như: Tự ý nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định tại Điều 153 Luật Đất đai; Chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp đối với đất không thuộc trường hợp được chuyển quyền, cho thuê, thế chấp theo quy định của Luật đất đai…

XEM CHI TIẾT VĂN BẢN TẠI ĐÂY

Tác giả: Phạm Thị Mỹ Linh